Con người, ngôn ngữ và văn hóa Ebla

Vương quốc đệ nhất và đệ nhị

Sân cung điện hoàng gia "G"

Các giai đoạn Mardikh II có chung một văn hóa.[119] Dân số Ebla thời Mardikh IIB1 ước lượng khoảng 40.000 ở kinh đô và hơn 200.000 trên toàn bộ vương quốc.[151] Dân cư Ebla thời Mardikh II là người Semit gần với các dân Semit tây bắc lân cận như người Amorite.[152] Giovanni Pettinato cho rằng tiếng Ebla, một trong những ngôn ngữ Semit cổ nhất được chứng thực,[153] thuộc nhóm ngôn ngữ Semit Tây; Gelb và những người khác nói nó thuộc phương ngữ Đông Semit gần hơn với tiếng Akkad.[154] Đồng thuận học thuật coi tiếng Ebla thuộc ngữ hệ Đông Semit thể hiện đặc điểm của Đông lẫn Tây Semit.[note 17][155][156]

Ebla tổ chức nhiều lễ hội tôn giáo và xã hội, gồm cả lễ tân vương đăng cơ kéo dài trong vài tuần.[157] Lịch Ebla dựa trên năm chí tuyến chia làm 12 tháng.[158] Đã phát hiện được hai loại lịch: "lịch cũ" dưới thời Igrish-Halam và "lịch mới" do wazir Ibbi-Sipish đưa ra.[158] Tên các tháng dùng để vinh danh các thần; ví dụ tháng đầu tiên trong lịch mới là ""Itu be-li" có nghĩa "tháng của chúa".[159] Mỗi năm đều được đặt tên thay vì gán số.[160]

Phụ nữ được trả công ngang với nam giới và có thể đảm nhận các chức vụ quan trọng và tham gia hệ thống công quyền.[161] Ebla nhập giống ngựa Kunga từ Nagar,[note 18][163] và dùng để kéo xe cho hoàng tộc và quan chức cao cấp cũng như làm lễ vật ngoại giao cho các thành đồng minh.[163] Dân cư không tập trung quanh cung điện và đền thờ như các vương quốc Lưỡng Hà. Cung điện Ebla được thiết kế quanh sân chung trong thành, mở cửa về các lối trong thành để dân chúng dễ dàng tiếp cận. Điều này trái ngược với các cung điện Lưỡng Hà giống như thành thường có lối vào hẹp và từ sân chung rất khó vào.[164] Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhạc công có thể là người trong thành[165] hoặc thuê từ các thành khác như Mari.[166] Ebla cũng thuê những người diễn trò nhào lộn từ Nagar nhưng về sau giảm dần, chỉ giữ lại một số ít để dạy nhào lộn lại cho dân trong thành.[167]

Vương quốc đệ tam

Dân số Mardikh III chủ yếu là người Semit Amorite.[96] Người Amorite vốn được nhắc đến trong các bảng thời vương quốc đệ nhất như là dân lân bang hoặc thôn dân[168] nhưng đã thống trị Ebla sau khi vương quốc đệ nhị bị hủy diệt.[169] Giai đoạn này chứng kiến việc xây dựng gia tăng thêm nhiều như các cung điện, đền thờ và đồn lũy mới.[170] Người Amorite Ebla thờ đa thần giống như các thời kỳ trước đó[171] và duy trì sự thiêng liêng cho trung tâm thành.[72] Biểu tượng và hệ tư tưởng hoàng gia thời vương quốc đệ tam chịu ảnh hưởng của văn hóa Yamhad. Vương quyền được cho là từ các thần Yamhad ban xuống thay vì thần Ishtar của Ebla trước kia, điều này được thể hiện rõ qua ấn triện thời Indilimma.[172]